Untitled Document


Biển Đông trên bàn nghị sự

Năm 2009 ghi nhận những động thái liên tiếp, khẩn trương của các nước trong khu vực, nhất là ở những vùng biển có tranh chấp trong khu vực biển Đông.

Chỉ riêng tháng 3/2009, đã có hàng loạt những động thái của các nước liên quan. Mở đầu là tuyên bố về chủ quyền của Malaysia ở khu vực thuộc quần đảo Trường Sa, và được nối tiếp bởi cuộc đụng độ trên biển giữa tàu USNS Impeccable của Mỹ với các tàu của Trung Quốc. Ngay trong tuần đó, Tổng thống Philippine Gloria Macapagal-Arroyo kí thông qua luật mới trong đó tuyên bố một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa thuộc nước này.

Bước sang tháng 4, biển Đông vẫn tiếp tục là điểm nóng với màn trình diễn sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên biển nhân dịp 60 năm ngày Hải quân Trung Quốc, mà lần đầu tiên, nước này đã mời các lãnh đạo hải quân cấp cao của các cường quốc hải quân khác cùng có mặt.

Đến tháng 5, không những không dịu bớt, vấn đề biển Đông lại thu hút sự quan tâm với việc các nước trong khu vực cùng đăng kí ranh giới ngoài của thềm lục địa mở rộng tại Liên Hiệp Quốc, cả đơn phương và song phương. Nhất là khi Trung Quốc đưa ra tuyên bố rằng phần đăng ký của Việt Nam cũng như Việt Nam và Malaysia là “bất hợp pháp và không có hiệu lực”, và đính kèm bản đồ hình lưỡi bò đầy tham vọng, bành trướng 80% diện tích biển Đông.

Trước đó, ngày 6/5, Trung Quốc thành lập Cục Chuyên trách Lãnh hải trực thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Không dừng lại ở đó, Trung Quốc thông báo lệnh cấm đánh bắt cá tại một số vùng biển trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông có hiệu lực từ ngày 16/5 đến ngày 1/8/2009.

Đồng thời, trong những tháng qua, Trung Quốc liên tiếp điều thêm tàu tuần tra trên biển Đông. Trong tháng 3, Trung Quốc đã phái chiếc tàu Ngư Chính 311 - tàu tuần tra ngư trường hiện đại nhất - tới Biển Đông sau vụ đối đầu trên biển với tàu Mỹ và sau khi Philippines ra một tuyên bố mới về khu vực tranh chấp.

Đến tháng 5, ba lần liên tiếp, Trung Quốc điều thêm các tàu tuần tra trên khu vực biển mà cả Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác trong khu vực đều tuyên bố có chủ quyền. (Ngày 16/5/2009, Trung Quốc điều thêm tàu Ngư Chính 44183. Ngày 19/5/2009, Trung Quốc điều thêm tàu Ngư Chính 44061. Cuối tháng 5/2009, Trung Quốc điều thêm 8 tàu nữa).

Đến sự xuất hiện của tàu sân bay Mỹ trên biển Đông, thể hiện sự quan tâm của các nước lớn với khu vực này.

Lợi ích

Có thể nói, chưa bao giờ các nước lại ứng biến mau lẹ như vậy trên biển Đông, nhất là Trung Quốc.

Trên báo ChinaDaily của Trung Quốc, những câu hỏi về chiến lược hải quân, về sự thay đổi của biển và vai trò hải quân Trung Quốc, về chủ quyền trên biển của nước này xuất hiện dày đặc.

Lí giải cho mối quan tâm này, các chuyên gia về biển của Trung Quốc nhấn mạnh, biển Đông đóng vai trò thiết yếu trong an ninh của nước này, cả trên phương diện kinh tế và chiến lược.

Theo chuyên gia về các vấn đề hàng hải và luật quốc tế của Viện KHXH Trung Quốc, ông Wang Hanling, biển Đông chính là “cửa ngõ phía Nam” của Trung Quốc.

Biển Đông là khu vực có ý nghĩa về mặt tài nguyên, kinh tế, và là khu vực địa chiến lược quan trọng, với đường giao lưu hàng hải quốc tế, nơi 80% dầu thô xuất khẩu từ Trung Đông và châu Phi đi qua. Bản thân vùng biển này cũng giàu trữ lượng dầu khí và quan trọng trong nỗ lực của các quốc gia để đa dạng hóa đường thương mại để thúc đẩy kinh tế xuất khẩu.

Việc tăng cường hoạt động của Trung Quốc trên biển gắn liền với sự lớn mạnh của hải quân nước này và sự trỗi dậy của Trung Quốc về kinh tế cũng như đối ngoại. Việc Trung Quốc còn có những vùng chồng lấn về lãnh thổ với các nước láng giềng là biểu hiện sức mạnh hạn chế của nước này, một học giả Trung Quốc còn viết.

Tuy nhiên, từ lâu biển Đông cũng gắn với lợi ích chiến lược của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ. Sự có mặt của các nước lớn ở khu vực biển này đã từ lâu, cả dân sự và quân sự, nhất là hoạt động của hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.

Khi thế giới đang đặt dấu hỏi về Trung Hoa thời kì trỗi dậy, thì những động thái trên biển của nước này càng được quan tâm, nhất là với Mỹ.

“Mỹ không thể đứng vị trí trung lập trong một cuộc tranh chấp mà một bên là đồng minh của Mỹ - Philippine và bên kia là đối thủ tranh giành ảnh hưởng khu vực - Trung Quốc”, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á của Quỹ Heritage, ông Walter Lohman nhận định.

Nói cách khác, biển Đông là nơi tập trung của sự đối chọi và quan tâm lẫn nhau về ảnh hưởng của các nước lớn trong khu vực.

Một khả năng khác, khi Mỹ và phương Tây đang phải bận rộn với Đông Bắc Á, với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, thì chính là cơ hội để Trung Quốc tranh thủ mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á và biển Đông.

Trên bàn hội nghị

Không phải ngẫu nhiên vấn đề biển Đông lại làm nóng các diễn đàn khu vực và quốc tế thời gian qua, mà gần đây nhất là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng châu Á - TBD tại Shangrila, nơi người ta đã dành trọn 1 ngày để thảo luận vấn đề biển Đông.

Tại cuộc đối thoại Shangrila, 3 đại diện giới nghiên cứu đến từ Philippines, Đài Loan và Singapore đã nêu câu hỏi cho Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Phùng Quang Thanh, phản ánh mối quan ngại về sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc và ý nghĩa với biển Đông. Điều tất cả các đại biểu quan tâm là duy trì ổn định và an ninh ở khu vực biển nhạy cảm này.

GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia nhận định, việc này phản ánh mối quan tâm khu vực đối với xu hướng căng thẳng chính trị tăng lên ở khu vực biển này trước sự đối đầu trên biển giữa Mỹ và Trung Quốc và sự phản đối của Trung Quốc với tuyên bố về ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia.

Lính đảo Trường Sa đón thư nhà...

“Khi an ninh của hoạt động dân sự ở khu vực bị đụng chạm, đó là vấn đề gây quan ngại. Nếu các nước không tìm cách giảm thiểu, hạn chế sự căng thẳng đó, thì sẽ ảnh hưởng đến an ninh khu vực, từ đó ảnh hưởng tới an ninh toàn cầu”, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, ông Trần Công Trục nói.

Việc đặt vấn đề biển Đông lên bàn đàm phán của những lãnh đạo cấp cao về an ninh của các nước trong khu vực là biểu hiện cụ thể của nỗ lực giải quyết xung đột và ngăn chặn các mầm mống xung đột tương lai.

Theo Giáo sư Carl Thayer, "vấn đề tập trung ở con đường giải quyết hòa bình tranh chấp ở biển Đông. Đại diện Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã xử lý vấn đề này một cách khôn khéo và chuyên nghiệp, nhấn mạnh mong muốn hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực... Nhờ đó, Bộ trưởng đã thúc đẩy ngoại giao quốc phòng của Việt Nam".

Hội nghị là cơ hội để các bên liên quan đưa ra quan điểm, cơ sở lập luận để bảo vệ hoạt động của mỗi nước. Diễn đàn cũng là cách để một số nước can dự, tạo ảnh hưởng ở khu vực.

Những kênh đối thoại quốc tế như Hội nghị An ninh Châu Á - TBD không phải là điều mới. Với vấn đề biển Đông, hiện nay, đã tồn tại khá nhiều kênh đối thoại đa phương, cả kênh chính thức và kênh học giả: ASEAN, ASEAN+, ARF, APEC… hay Hội thảo Biển Đông hằng năm do Indonesia và Canada tổ chức, Chương trình về bảo vệ môi trường ở Biển Đông của Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, nhiều kênh không thường xuyên và hiệu quả thực tế chưa cao. Tận dụng những kênh đối thoại này như thế nào một cách hiệu quả và chủ động là vấn đề Việt Nam cần có sự tính toán và chuẩn bị cẩn trọng, cả bên trong và bên ngoài.

Tìm tiếng nói chung trên diễn đàn là cần thiết, nhưng ngăn chặn những lực lượng lợi dụng tình hình để thực hiện ý đồ riêng của mình cũng là khả năng Việt Nam cần tính tới. Một mặt, đó có thể là ý đồ quốc tế hóa vấn đề biển Đông, gây phức tạp tình hình, hoặc có thể là vận động, có tiếng nói lớn hơn trong giải quyết vấn đề, và cũng không ít trường hợp các nước lợi dụng hòng đạt được sự công nhận thực tế de factor.

Nỗ lực

Trên bình diện quốc tế, Việt Nam cần tiếp tục các nỗ lực ngoại giao đa dạng của mình, cả song phương và đa phương. Ngoại giao song phương hướng tới các quốc gia chia sẻ lợi ích trước mắt ở biển Đông để tìm kiếm đối tác, và ngoại giao đa phương để có được sự ủng hộ quốc tế với Việt Nam trong vấn đề biển đảo.

GS Carl Thayer nêu cụ thể,  Việt Nam cần tiếp tục cùng Trung Quốc đảm bảo không có việc phá vỡ thế cân bằng hiện nay. Đặc biệt, Việt Nam cần thuyết phục Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động hợp tác và xây dựng lòng tin ở biển Đông.

Việt Nam cần kết nối với các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Nga và các cường quốc khác như Australia, Hàn Quốc để nhận được sự ủng hộ.

Việt Nam cũng phải đảm bảo một ASEAN thống nhất, và sẵn sàng ủng hộ Việt Nam, trong đàm phán với Trung Quốc và diễn đàn khu vực ASEAN. Đồng thời, Việt Nam cần tận dụng các cơ chế đa phương để nhận được sự ủng hộ tại Diễn đàn Đông Á cũng như các thành viên Đại hội đồng LHQ.

Trong nước, Việt Nam cũng cần đầu tư hiện đại hóa, nâng cấp lực lượng quân sự để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Hơn nữa, cần đảm bảo chính sách an ninh quốc gia được hiểu thống nhất ở tất cả các cấp cũng như trong dân chúng, đảm bảo sự đoàn kết trong cả nước.

Lịch sử hàng nghìn năm dựng và giữ nước của Việt Nam đã chỉ rõ, khi nào chúng ta biết tập hợp sức dân, dựa vào dân, xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, thì khi ấy, chủ quyền của Việt Nam được giữ vững, thế của Việt Nam đi lên. Bài học xưa cũ ấy vẫn còn nguyên giá trị trong việc giữ gìn và bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc hôm nay.
Tin tức khác